Khối Nhỡ
KHÁM PHÁ KHOA HỌC ĐỀ TÀI: TRÒ CHUYỆN VỀ LỢI ÍCH CỦA NƯỚC ĐỐI VỚI CON NGƯỜI, ĐỘNG VẬT VÀ CÂY CỐI
I. Mục đích - yêu cầu :
1. Kiến thức:
- Trẻ biết được lợi ích của nước đối với con người, động vật, cây cối.
- Cung cấp cho trẻ vốn từ: tí tách, róc rách, nứt nẻ, xanh mướt.
2. Kỹ năng:
- Phát triển vốn từ cho trẻ.
- Rèn kĩ năng biết chú ý, lắng nghe, so sánh, tưởng tượng.
3. Thái độ:
- Trẻ hứng thú tham gia các hoạt động, giáo dục trẻ biết tiết kiệm nước khi sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
II. Chuẩn bị :
1. Đồ dùng của cô và trẻ:
- 1 đĩa CD có quay 1 đoạn phim: cảnh em bé đang tắm, Cảnh rửa tay, Cảnh vo gạo nấu cơm, Cảnh uống nước.
- 2 bể nước: 1 bể có nước có cá, 1 bể không có nước, vợt để vớt cá
- 1 Chậu cây được tưới nước thường xuyên, 1 chậu cây không tưới nước. Băng nhạc
- 1 số bức tranh về hoạt động cần nước và không cần nước.
- 3 tấm bảng đa năng
2. Địa điểm: Trong lớp
III. Tổ chức thực hiện
Hoạt động 1: Ổn định tổ chức
- Cho trẻ hát bài “Mong mưa”
- Các con vừa hát bài gì?
- Mọi người mong mưa để làm gì?
- Nhờ có mưa mà cây cối được xanh tươi. Khi không có mưa hoặc không có nước để uống thì chúng ta sẽ chết khát đấy các con ạ. Nước rất cần thiết cho con người, động vật và cây cối. nước có nhiều điều thú vị, chúng ta cùng khám phá nhé!
Hoạt động 2: Hướng dẫn hoạt động :
1. Cho trẻ làm quen đối tượng:
a. Lợi ích của nước đối với con người:
- Cô cho trẻ xem đoạn phim :
* Cảnh em bé đang tắm:
- Em bé đang làm gì?
- Nếu không tắm thì sẽ như thế nào?
( Vào mùa hè thời tiết nóng bức, cơ thể ra rất nhiều mồ hôi, nếu ta không tắm thì sẽ rất bẩn và ngứa ngáy khó chịu có thể còn sinh bệnh nữa đấy. Vì thế các con cần tắm thường xuyên mỗi ngày).
* Cảnh rửa tay:
- Các bạn đang làm gì?
- Tại sao phải rửa tay?
( Nếu không rửa tay thì khi chúng ta cầm thức ăn đưa vào miệng sẽ rất mất vệ sinh, có thể mắc bệnh và bị ngộ độc nữa).
* Cảnh vo gạo nấu cơm:
- Các con thấy họ đang làm gì?
- Nếu cứ vo gạo rồi cho vào nồi mà không cho nước thì có nấu chín thành cơm không? Tại sao?
( Nếu không cho nước thì gạo không thể chín thành cơm được, nồi và gạo sẽ bị cháy)
* Cảnh uống nước:
- Mọi người đang làm gì?
- Hằng ngày các con uống nước, các con thấy nước có vị gì?
- Nước có mùi gì không?( Cô cho trẻ ngửi).
( Dù chúng ta có đựng nước vào các cốc có màu sắc, hình dáng khác nhau thì nước vẫn trong suốt, không màu, không mùi, không vị).
* Cô khái quát: Qua đoạn phim, chúng ta thấy nước rất cần cho mọi hoạt động của con người: Trong sinh hoạt như tắm rửa, ăn, uống…, trong lao động sản xuất…
- Nước không chỉ cần thiết cho con người mà còn cần cho động vật, cây cối
b. Lợi ích của nước đối với động vật:
- Cô cho trẻ xem 2 cái bể: 1 bể có nước có cá, 1 bể không có nước,
- Cô hỏi trẻ: các con nhìn xem con gì đang bơi trong bể nước.
- Bây giờ cô vớt con cá ra và để vào bể không có nước một lúc thì điều gì sẽ xảy ra đối với con cá.
- Nếu chúng ta vớt cá ra để vào trong bể không có nước một lúc thì cá sẽ chết. Qua thử nghiệm trên ta thấy rằng nước rất có ích đối với động vật. Nhờ có nước mà các con vật sống lâu hơn, nếu không có nước các con vật cũng sẽ chết.
c. Lợi ích của nước đối với cây cối:
- Trò chuyện với trẻ về hoạt động trãi nghiệm ở góc thiên nhiên mà trẻ đã làm thường ngày ( Trồng cây, gieo hạt, tưới nước, chăm sóc cây…) để trẻ thấy rõ cây cần nước như thế nào.
- Cô cho trẻ quan sát 2 chậu cây: Chậu cây được tưới nước và chậu cây không được tưới nước.
- Cô cho trẻ nhận xét về 2 chậu cây vừa được xem
Cây được tưới nước thì xanh tươi, phát triển bình thường( nảy mầm, chồi lớn lên thành cây, ra lá, lớn dần lên..)
Cây thiếu nước, không được tưới nước thì sẽ khô héo và chết dần.
- Vậy để có nước dể uống, sinh hoạt hàng ngày và sử dụng trong chăn nuôi trồng trọt chúng ta phải làm gì?
*Giáo dục: Nước rất cần thiết đối với con người và cả loài vật, cây cối. Vì thế chúng ta phải bảo vệ, giữ gìn nguồn nước sạch để không bị ô nhiễm. Đặc biệt, chúng ta phải dùng tiết kiệm, không xả nước lãng phí để mọi người đều có nước sạch để dùng.
2. Luyện tập: Thi nói nhanh
- Cô cho trẻ kể nước dùng để làm gì. Bạn nói sau không được kể về tác dụng của nước mà bạn khác đã kể.
3. Trò chơi: “Thi chọn đúng”
- Cách chơi: chia thành 3 đội đứng xếp hàng dọc trước vạch xuất phát. Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu, bạn đầu tiên của mỗi đội chạy nhanh lên bảng chọn 1 hoạt động cần thiết đến nước gắn lên bảng sau đó chạy về chạm nhẹ tay vào bạn kế tiếp, bạn kế tiếp chạy lên chọn 1 bức tranh khác cần đến nước gắn lên bảng, cứ như vậy cho đến khi trò chơi kết thúc (Thời gian chơi là một bài hát).
- Luật chơi: Đội nào có nhiều kết quả đúng là thắng cuộc.
- Cô cho trẻ chơi 2 - 3 lần
Hoạt động 3: Kết thúc hoạt động:
- Nhận xét – Tuyên dương trẻ
- Cho trẻ hát bài “ Cho tôi đi làm mưa với” và nghỉ./.