Khối Nhỡ
KHÁM PHÁ KHOA HỌC ĐỀ TÀI: TÌM HIỂU VỀ GIÓ.
I. Mục đích - yêu cầu :
1. Kiến thức:
- Trẻ phân biệt được “gió tự nhiên” và “gió nhân tạo” thông qua đồ vật.
- Trẻ biết được gió ở khắp mọi nơi, gió ta không sờ, không nắm bắt được. Trẻ biết có thể tạo ra gió khi trời nóng bức.
2. Kỹ năng:
- Trẻ phân biệt được vật nhẹ, vật nặng, bay được, không bay được khi gặp gió.
- Phát triển ngôn ngữ, khả năng nhận biết, phân biệt, quan sát, chú ý , ghi nhớ có chủ định cho trẻ,
3. Thái độ:
- Trẻ tham gia trò chơi tích cực, biết lợi dụng gió để thả diều, tránh gió khi có hiện tượng mưa bão. Biết bảo vệ cơ thể khi có thời tiết thay đổi.
II. Chuẩn bị :
1. Đồ dùng của cô:
- 1 hình khối, 1 quạt bàn, 1 tờ giấy
- Một số đoạn băng ghi hình ảnh về hiện tượng thiên nhiên
2. Đồ dùng của trẻ:
- Mỗi trẻ 1 cái chong chóng, lông gà, thuyền giấy, nước, ống thổi ... đủ cho trẻ trải nghiệm .
3. Địa điểm:
- Trong lớp
III. Tổ chức thực hiện:
Hoạt động 1: Ổn định tổ chức :
- Cho trẻ chơi trò chơi : " gió thổi"
* Trò chuyện:
- Khi gió thổi cây cối như thế nào?
- Các con có nhìn thấy được gió không?
- Các con thấy gió khi nào?
- Muốn biết chúng ta có thể nhìn thấy được gió hay không và gió có từ đâu thì hôm nay cô cháu mình cùng tìm hiểu nhé!
Hoạt động 2: Hướng dẫn hoạt động
1. Tìm hiểu về gió:
* Gió nhân tạo:
- Cô cho trẻ quan sát hình khối, tờ giấy cô đặt trên bàn.
- Khi cô bật quạt lên gió từ quạt thổi vào tờ giấy và hình khối thì vật gì bay được, vật gì không bay được? Vì sao?
( Khi cô bật quạt, quạt quay tạo ra gió đã làm cho vật nhẹ bay đi “tờ giấy”, vật nặng đứng yên “hình khối” ).
- Gió có từ đâu?
- Gió do quạt tạo ra gọi là gì? (gió nhân tạo)
- Các con có thấy gió không? ( Cô bật quạt cho trẻ quan sát)
- Quạt quay được là nhờ có điện nhưng khi sử dụng điện chúng ta phải làm gì?
* Giáo dục: Cần tiết kiệm điện khi sử dụng quạt vào mùa hè trời nóng bức. Khi trời lạnh vào mùa đông không nên sử dụng quạt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các con.
* Gió tự nhiên:
- Vào mùa hè thời tiết nóng bức, thỉnh thoảng có những cơn gió thoáng qua làm cho con người cảm thấy dễ chịu. Vào những buổi chiều người ta thường đến những cánh đồng, sân bãi rộng để thả diều.
- Cho trẻ xem video một số hình ảnh như:
+ gió nhẹ: lá cờ bay, thả diều.
+ Gió mạnh: làm cây cối nghiêng ngả
+ Gió bão: Thuyền lật, bay nhà cửa
( Gió nhẹ, gió mạnh, gió bão người ta gọi là gió tự nhiên)
- Khi có gió bão các loại tàu thuyền không được ra biển vì rất nguy hiểm
- Gió từ đâu mà có? :
(Gió là một hiện tượng trong tự nhiên do không khí chuyển động quanh trái đất tạo ra gió, gió chúng ta không trông thấy bằng mắt thường mà chỉ thấy khi có một vật đứng trước nó thì ta mới biết là gió. Gió không thổi cùng một hướng mà gió thổi khắp mọi nơi).
- Mùa hè không có gió thì sẽ như thế nào?
- Gió có cần thiết đối với chúng ta không?
Vì vậy mùa hè không những cần gió tự nhiên mà cần gió nhân tạo do con người tạo ra nữa đấy. Gió làm cho thông thoáng nhà cửa, làm sạch môi trường, không khí, làm một số vật chuyển động phục vụ con người. Nhưng gió cũng rất có hại: Gió làm cho cây cối, tàu thuyền, nhà cửa, hoa màu hư hại và còn ảnh hưởng đến tính mạng con người.
- Chúng ta cần phải làm gì để giảm tác hại của gió?
( Trồng nhiều cây xanh, không chặt phá rừng, không vứt rác bừa bãi)
2. Luyện tập : “ Hoạt động trãi nghiệm”
- Cô chia trẻ làm 2 nhóm.
- Cô giới thiệu các nhóm chơi cho trẻ hoạt động
* Nhóm 1: Chơi trò chơi: “ Thổi lông gà ”
- Cách chơi : Mỗi trẻ có một rổ đựng “ lông gà” để tạo ra gió cho lông gà bay lên, cô cho trẻ thổi lông gà.
Hỏi trẻ: Vì sao lông gà bay được?
Gió làm cho lông gà bay được gọi là gió gì?
* Nhóm 2: “Chơi Thả thuyền”
- Cô cho trẻ thả thuyền vào nước và tạo sức gió để thuyền trôi( Mỗi trẻ 1 ống thổi tạo gió)
Hỏi trẻ: Vì sao thuyền trôi được?
Gió làm cho thuyền trôi được gọi là gió gì?
3. Trò chơi: “ Chơi với chong chóng”
- Cô mở nhạc và cho trẻ cầm chong chóng chạy thành vòng tròn để tạo thành gió cho chong chóng quay.
- Cho trẻ tham gia chơi.
Hoạt động 3: Kết thúc hoạt động
- Cô nhận xét, động viên và khen trẻ.
- Cô cho trẻ hát bài : “ Tôi là gió”, Nghỉ./.